ánh sáng

ánh sáng

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

TIM ALINE REBEAUD Trái Tim Không Biên Giới

12 năm sống ở Việt Nam, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, Tim Aline Rebeaud đã trở thành người mẹ không thể thiếu của những mảnh đời bất hạnh tại “Nhà may mắn” phường Bình Hưng Hoà A, quận Bình Tân. Hàng chục con người không may đã được Tim Aline tìm đem về chữa bệnh, nuôi dưỡng, dạy học... cô gái 32 tuổi này đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Những người trong “Nhà may mắn” đã dành cho cô tiếng gọi thiêng liêng “Mẹ Tim”... Duyên nợ Việt Nam Sinh ra và lớn lên ở Thụy Sĩ, Tim Aline Rebeaud đã học ngành hội hoạ và trở thành hoạ sĩ. Đến bây giờ, sau 12 năm sinh sống, Tim vẫn không hiểu duyên nợ nào đã đưa cô đến với Việt Nam. Trong ký ức của cô gái trẻ, Tim nhớ lại: “Hễ nghe báo đài nói về Việt Nam là mình lắng nghe một cách kỳ lạ, luôn thắc mắc và tìm hiểu. Có lần mình theo mẹ đi mua sách, lát sau mẹ không tìm thấy mình, tưởng bị lạc mất nên mẹ hốt hoảng đi tìm và phát hiện mình đang say sưa đọc một quyển sách nói về Việt Nam. Đến năm 1992, mình theo mẹ đến Việt Nam để tìm hiểu về đất nước và con người, lúc ấy không có ý nghĩ sẽ ở lại nhưng ...”. 


Đúng hơn, đó là lần Tim sang Việt Nam để tìm hiểu về hội hoạ. Một đêm khi đi về khuya, Tim bỗng nghe tiếng khóc của một đứa bé mồ côi khoảng 10 tuổi. Tim tìm đến đưa đứa bé đi ăn rồi dắt về khách sạn nơi Tim ở nhưng bảo vệ khách sạn không cho vào. Đêm đó, cô không sao ngủ được mà cứ suy nghĩ mãi về thân phận đứa bé và sáng hôm sau quyết định đến các cô nhi viện để tìm hiểu. Vốn có một đứa em trai khuyết tật nên càng tìm hiểu, trái tim của Tim càng rung động bởi những mảnh đời thiếu thốn tình thương, sống lay lất bên lề xã hội. Từ một đứa bé, hai đứa, và chẳng bao lâu, Tim đã phải tìm nhà để thuê cho hàng chục đứa trẻ bị bỏ rơi có nơi cư ngụ, đói ăn, thiếu mặc. Đã cưu mang phải làm cho trót. Thế là mỗi ngày Tim phải đi chợ, nấu ăn cho hàng chục đứa trẻ. Đêm cũng không nỡ để chúng bơ vơ nên Tim dọn về ở chung với các em. Đến khi sợi dây vô hình gắn chặt, Tim biết mình không thể rời xa các em được nữa. 


Mỗi ngày Tim làm việc trên 12 tiếng. Có khi xong công việc đồng hồ đã điểm sang ngày mới. Những công việc không tên cho trên 100 con người ở “Nhà may mắn” như oằn lên đôi vai gầy của Tim. Điều tưởng như quá sức nhưng với Tim, đó là hạnh phúc của cuộc đời cô. Bây giờ trong căn nhà của Tim không chỉ những đứa bé mồ côi, khuyết tật mà cả những người lớn khuyết tật cũng tìm đến ngôi nhà của Tim để được giúp đỡ học chữ, học nghề. Anh Đặng Văn Tài, một thanh niên khuyết tật đã ngồi nói chuyện với tôi suốt buổi về Tim, về duyên may của cuộc đời anh khi gặp được Tim. Tài kể: “Quê tôi nghèo lắm, ở tận Sóc Trăng. Một lần lúc hái dừa thuê chẳng may tôi bị té chấn thương cột sống. Chữa trị ở bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình suốt mấy năm trời nhưng do không có tiền nên các vết loét ngày càng nhiễm trùng, có nguy cơ bị tháo khớp. 

Khi Tim vào bệnh viện thăm và thấy hoàn cảnh của tôi nên nhận giúp điều trị từ thuốc men đến chăm sóc các vết loét. Thú thật đến bây giờ tôi cũng không thể hiểu vì sao có một người khác màu da, tiếng nói từ trời Tây lại có thể tốt với mình đến thế”. Chữa lành vết thương, Tài phải vĩnh viễn ngồi xe lăn nhưng đó cũng là hạnh phúc quá lớn với Tài. Anh được Tim đưa về “Nhà may mắn” từ những ngày đầu và trở thành người lâu năm nhất sống trong mái ấm này. 

Tài và một số bạn khuyết tật khác còn được Tim mời thầy về dạy hội hoạ. “Tôi không nghĩ là mình sẽ cầm được cọ nhưng càng học tôi càng bị lôi cuốn. Hơn nữa lúc nào tôi và các em cũng được Tim ở bên cạnh động viên, chăm sóc nên càng quyết tâm. Và dù có mơ mộng hảo huyền tôi cũng không thể ngờ một ngày kia Tim đề nghị tôi và một em khác trong lớp lên đường sang Pháp học nâng cao tay nghề về hội hoạ. Một thanh niên tàn phế như tôi những tưởng cuộc đời đã bỏ đi lại được xuất ngoại để học và kiếm tiền quả là điều không tưởng!” Sau Tài, còn có thêm hai thành viên khác của “Nhà may mắn” lại tiếp tục sang Pháp học vẽ và những bức tranh được bán ngay. Tài bảo: “Thú thật tôi coi Tim như người đã sinh ra mình lần thứ hai. Không chỉ với tôi mà anh em trong “Nhà may mắn” đều coi Tim như người mẹ, người bảo mẫu, cô giáo của mình. Tôi mang ơn Tim đến khi nhắm mắt xuôi tay”.

Đến giờ đã trở thành một “hoạ sĩ” có tay nghề khá vững, Tài cùng anh em trong tổ vẽ đã làm ra tiền, vừa có thu nhập cho bản thân vừa đóng góp cho ngôi nhà chung của mình. Tài còn giới thiệu cho em trai của mình là Đặng Văn Lanh đến giúp “Nhà may mắn” chăm sóc sức khoẻ cho các bệnh nhân. Duyên may đã mỉm cười khi Lanh đem lòng yêu thương Võ Thị Thu Hiền, con gái nuôi của Tim. Hiền bị vẹo cột sống bẩm sinh. Không có cha, 12 tuổi lại mồ côi mẹ, Hiền được các Soeur cưu mang và đem vào gởi cho Tim và trở thành con nuôi của mẹ Tim. 

Ngày đám cưới của Hiền và Lanh, mẹ Tim cũng áo dài khăn đóng đưa dâu về quê "anh chị sui". Kể lại hạnh phúc trong ngày "gả con gái lấy chồng", mẹ Tim cười bảo: “Hai bên cùng nghèo nên chỉ làm đơn giản nhưng theo đúng phong tục của ông bà. Đàng trai cũng rước dâu, nhà gái cũng đi đò đưa dâu về tận đàng trai. Miễn sao cho hai con hạnh phúc là được rồi”. Một hạnh phúc lớn hơn khi hè vừa rồi Tim đã lên chức “bà ngoại” với đứa cháu gái bụ bẫm đáng yêu khi tuổi đời của Tim chỉ mới 32. Tim cười bảo: “Mình là bà ngoại trẻ nhất Việt Nam đấy”. Một trường hợp khác, nếu như không có Tim, anh Vũ Khắc Minh cũng không biết cuộc đời mình trôi dạt về đâu. Từ một thanh niên cao lớn, khoẻ mạnh với nghề đào giếng,  Minh bị đứt dây bảo hiểm đã rơi từ độ cao 21 mét xuống vực sâu. 

Mổ đi mổ lại nhiều lần tưởng không thể cứu được, rồi như có phép nhiệm mầu, Tim đến thăm và tài trợ kinh phí để Minh tiếp tục điều trị. Minh cũng trở thành một trong những thành viên đầu tiên của “Nhà may mắn”. Anh được tiếp tục học văn hoá đến hết lớp 7, học đàn và là tổ trưởng tổ may. Trong một chuyến viếng thăm “Nhà may mắn”, một cô gái đã đem lòng yêu thương và kết duyên vợ chồng với Minh. Họ đã được Tim hỗ trợ ra ngoài mua nhà lập xưởng may riêng. Tim còn tìm đối tác để vợ chồng Minh thường xuyên có hàng để may. Trong căn nhà nhỏ của Minh đã có thêm hai thành viên là hai cậu con trai kháu khỉnh, đáng yêu... “Nhà may mắn” hôm nay đã “khang trang” hơn những ngày đầu mới thành lập nhưng mỗi khi mưa lớn vẫn phải lội bì bõm” - Tim Aline đã nói với tôi như vậy.  12 năm cùng chung sống với những "người con" của mình, mái ấm của Tim đã tăng dần về quân số nên cô phải mua thêm đất nới rộng cơ sở mới đủ làm nơi ăn, ở sinh hoạt. Hiện nay, “Nhà may mắn” có 50 người ăn ở tập trung và 57 người khác đến để được học nghề, chữa bệnh. Bài toán kinh phí quá lớn luôn là áp lực đối với Tim. Cô phải vận động thêm nguồn tài trợ từ tổ chức Maison Chance (Pháp và Thụy Sĩ). Tuy nhiên : “Có lúc trong tài khoản chỉ còn 3 – 4 USD”. 

Cô Trương Thị Kim Chi, người luôn sát cánh với Tim từ ngày đầu mở “Nhà may mắn” đến nay cho biết: “Có lúc khó khăn chồng chất đến rơi nước mắt nhưng chính Tim là người động viên tôi để cùng vượt qua. Nhìn Tim hết lòng với công việc, với mọi người, nhắc nhở mọi người học chữ, học nghề, tiết kiệm và Tim không hề lo cho bản thân mình làm tôi rất cảm động. Thậm chí có khi mọi người ngủ thì Tim vẫn thức làm việc, mọi người ăn cơm nóng, Tim ăn cơm nguội...”. Đến nay, “Nhà may mắn” có 7 tổ dạy nghề gồm: vẽ, vi tính, âm nhạc, ngoại ngữ, may, văn hoá, và võ thuật, trong đó đã có 25 học viên thành thạo nghề đã có thêm thu nhập. Nặng nhất là chi phí khám chữa bệnh cho học viên. Tôi hỏi: “Khó khăn như thế có khi nào Tim định bỏ cuộc không?” Rất tự tin, Tim bảo: “Để làm cho cuộc đời của một con người tốt đẹp hơn không phải dễ nhưng khi đã bắt tay vào tôi không nghĩ mình sẽ thất bại. Đã làm là không dừng lại, khó khăn thì mình phải tìm giải pháp khác chứ không bao giờ tôi nghĩ mình bỏ cuộc. Bao nhiêu con người đang trông chờ, làm sao bỏ họ cho đành!. 

Công việc của Tim Aline đã lay động nhiều người, họ đã tự nguyện đến giúp đỡ, gắn bó với Tim, với “Nhà may mắn”, chia sẻ với Tim những lúc khó khăn. Còn với Tim, chỉ có khuôn mặt mang dáng dấp của một cô gái Thụy Sĩ, còn trái tim, cuộc đời cô đã gắn bó với những mảnh đời bất hạnh ở Việt Nam. Sau 12 năm sinh sống, cô nói tiếng Việt “sõi” như chính người Việt. Nghe Tim nói chuyện, diễn đạt suy nghĩ, tình cảm của mình, không ai nghĩ cô là người nước ngoài. Tôi hỏi: “Đã 32 tuổi rồi, khi nào Tim định lấy chồng?” Một chút đùa nhưng tôi nghĩ đó là tình cảm thật của mình, Tim bảo: “Lấy chồng chỉ chia sẻ được tình cảm cho một người, mình muốn chia sẻ cho thật nhiều người kia... 

”Tim đã tìm mua đất và dự định sẽ xây một cơ sở khang trang hơn đủ sức làm nơi ăn, ở và học tập cho 100 con người. Sức mạnh của Tim Aline chính là sức mạnh toát ra từ trái tim yêu thương không biên giới, sức mạnh đó đã giúp cô vượt qua mọi khó khăn và trở thành người mẹ thật sự của các thành viên trong ngôi “Nhà may mắn”.