ánh sáng

ánh sáng

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Đi tu - một tập tục của người Khmer miền Tây Nam Bộ

Ngày nay, tục đi tu vẫn còn phổ biến trong người Khmer ở miền Tây Nam Bộ. Bởi vì tu không phải để thành Phật mà để thành người, chuẩn bị cho cuộc sống tốt đẹp ở ngày mai, là một cơ hội tốt để cho họ được học chữ nghĩa, đạo lý và rèn luyện đức hạnh.
Người Khmer ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thường sống thành từng vùng, có nơi chiếm tới 70% dân số, tập trung nhiều ở các tỉnh giáp biên giới Campuchia như vùng Bảy Núi (Tịnh Biên, Tri Tôn), Hà Tiên (Kiên Giang), Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Dân tộc Khmer thuần theo đạo Phật Tiểu thừa. Ở đồng bằng sông Cửu Long có hơn 440 ngôi chùa lớn nhỏ của người Khmer, mỗi chùa có ít nhất 5 -10 ông lục, nhiều khi đến 60 - 70 ông ăn ở, học tập tu hành. Các ông lục, còn gọi là sư sãi, là con em người bổn sóc. Gia đình nào có con trai từ 12 tuổi trở lên đều cho vào chùa tu, có thể 3 tháng hoặc 3-4 năm hay trọn đời tuỳ ý, để học kinh, học chữ, rèn luyện thành người có trí thức và đức hạnh.
Ngày xưa, nếu người con trai nào không qua giai đoạn tu trong chùa thì bị xã hội và gia đình cho là bất hiếu và lớn lên rất khó lấy vợ. Bởi vì người con gái Khmer đến tuổi lấy chồng, thường chọn những chàng trai đã qua tu luyện trong chùa, đã hoàn tục. Theo họ, đó là người đã hoàn thành nghĩa vụ và học được cách làm người, nhất là biết chữ nghĩa, được mọi người trọng vọng.
Lễ đi tu thường được tổ chức vào ngày đầu Tết Chôl Chnâm Thmây. Vào ngày này, gia đình nào muốn đưa con vào chùa tu (vài tháng trước đó, người con trai này phải vào chùa học thuộc vài bài kinh cơ bản) sẽ tổ chức một lễ gọi là Bank-Bom-Buôn để người đi tu từ giã họ hàng, bạn bè và được mọi người cầu chúc sức khoẻ. Khi vào lễ, anh ta cạo đầu, thay quần bằng chiếc xà rông, thay áo bằng một khăn vải trắng đắp lên vai từ trái sang phải gọi là Pênexo, chứng tỏ rằng anh ta từ bỏ thế tục. Lúc đó người ta gọi anh là Nec (rồng).
Theo truyền thuyết từ kinh điển Phật giáo, ngày xưa có một con rồng tu luyện thành người và xin được vào tu theo Đức Phật. Một hôm, khi ngủ trưa rồng hiện nguyên hình. Môn đệ khác của Đức Phật phát hiện ra liền báo ngay. Đức Phật trục xuất rồng khỏi hàng môn đệ, vì không phải người thì không được tu. Rồng khóc van xin, nhưng không lay chuyển được lòng Đức Phật. Cuối cùng rồng xin Đức Phật ban cho một ý nguyện là sau này, những ai bước chân vào tu cũng phải gọi bằng tên tộc là Nec. Từ đó đến nay, từ "nec" dùng để gọi nhà sư tương lai và cũng để nhớ đến truyền thuyết trên.
Sumoi14410.jpg
Một vị sư trẻ mới xuất gia
Để vào lễ, buổi tối họ mời sư sãi đến tụng kinh, cúng Tam bảo và thọ giới theo Phật. Sáng hôm sau, khi cơm nước xong, họ đưa anh con trai lên chùa, có bạn bè thân quyến mang lễ vật cùng đi theo. Đến chùa, họ đi vòng quanh chánh điện ba vòng rồi mới vào trong làm lễ. Ở đây có một nhà sư ngồi gọi là Uppachhe giảng dạy, hỏi và đọc các điều của luật tu hành cho các nec nghe. Sau đó nec mới cầm áo cà sa đi vào hàng giữa sư sãi và đọc lời xin tu. Khi vị thượng toạ chấp thuận thì nec mới đi thay xà rông và khăn trắng bằng áo cà sa. Tiếp theo là lễ thọ giới 10 điều của Phật giáo: 1. Không sát sinh; 2. Không trộm cắp; 3. Không tà dâm; 4. Không nói dối; 5. Không uống rượu; 6. Không ăn ngoài bữa; 7. Không xem múa hát; 8. Không dùng đồ trang sức; 9. Không chiếm ghế cao và giường êm; 10. Không đụng đến vàng bạc.
Cuối cùng, các nhà sư cùng Phật tử tụng kinh cầu phước cho người mới tu hành và chúng sinh để chấm dứt buổi lễ.
Ngày nay, tục đi tu vẫn còn phổ biến trong người Khmer ở miền Tây Nam Bộ. Bởi vì tu không phải để thành Phật mà để thành người, chuẩn bị cho cuộc sống tốt đẹp ở ngày mai, là một cơ hội tốt để cho họ được học chữ nghĩa, đạo lý và rèn luyện đức hạnh.
Đi tu đồng thời theo nếp nghĩ truyền thống cũng là một cách tích phước cho cha mẹ, gia đình và chính bản thân. Tuy nhiên, ngày nay người con trai Khmer vì theo học ở một trường nào đó hoặc có những gia đình quá khó khăn, thiếu lao động thì không phải đi tu và luật tu hành cũng không quá khắt khe như xưa nữa.
Thạch Sen (Quê Hương/ Theo Suutap)

Nghịch tăng thượng duyên

 Ở thành Xá-vệ có trưởng giả tên Tài Đức. Ông có một đứa con trai, mới lên 5 tuổi đã được ông dạy niệm "Nam mô Phật". Đứa bé rất khôn ngoan nên học xong là biết niệm "Nam mô Phật" ngay, do đó được cha rất mực cưng chìu.
Bấy giờ, có một quỷ vương ở ngoài đồng hoang bị đói khát bức bách tìm đến nhà trưởng giả. Thấy đứa bé, quỷ bèn bắt đem về đồng hoang tính ăn thịt ngay nhưng đứa bé niệm "Nam mô Phật" nên quỷ vương đột nhiên bị tê liệt, không cách nào động tới đứa bé được. Nhìn cặp mắt hung ác sáng như điện của quỷ bốc lên lửa dữ, đứa bé sợ quá, miệng niệm "Nam mô Phật" không ngừng.
Cứ như thế trong một thời gian dài, quỷ không cách nào làm hại thằng bé như ý mình muốn, nên càng lúc càng nóng nảy và giận dữ.
Đức Phật nghe tiếng đứa bé niệm danh hiệu Ngài bèn lập tức dùng thần thông đến chỗ đồng hoang, phóng hào quang màu trắng để bảo vệ đứa bé. Quỷ vương thấy Đức Phật đến liền nổi xung thiên lồng lộn, nhấc một tảng đá lớn toan ném Đức Phật. Ngài liền nhập Hỏa quang Tam muội chiếu sáng cả quả đất, và trong ánh sáng ấy lại có hóa hiện vô số ức các Hóa Phật. Thế mà quỷ vương ác độc và khó độ vẫn không chịu hàng phục. Bấy giờ, một vị thần Kim Cang thấy thế vô cùng tức giận, một tay cầm chày kim cang, một tay múa một cây kiếm sắc lớn, hướng tới quỷ vương toan chém xuống đầu hắn. Quỷ vương sợ quá, ôm lấy đứa bé, quỳ mọp xuống trước mặt Đức Phật, nói:
- Thế Tôn! Xin Ngài từ bi cứu mạng con!
Đức Phật như người cha lành, dầu gặp người ác hơn thế nữa nhưng nếu đã biết chân thành sám hối, Ngài đều sẵn sàng tha thứ. Thần Kim Cang bèn ra lệnh cho quỷ vương:
- Ngươi còn chờ gì mà chưa quy y Phật, Pháp, Tăng?
Quỷ vương nghe thế rất vui mừng, lập tức thọ nhận Tam quy Ngũ giới, rồi hướng về thần Kim Cang nói một cách biết ơn:
- Nhờ ngài chỉ giáo cho con nên con mới được uống nước cam lồ, bỏ đường mê lầm mà quay về nẻo chính.
Trưởng giả Tài Đức cũng kịp tìm đến, ôm con xin xuất gia theo Phật. Từ đó ông tu hành rất tinh tiến, tín tâm kiên cố thêm.
Từ trước đến nay, mọi người đều tự mình phát tâm mà tin tưởng tu hành. Nhưng chúng sinh si mê, phải có áp lực từ bên ngoài mới chịu hối lỗi mà tín tu, đó gọi là "Nghịch tăng thượng duyên". (Theo Phật giáo cố sự đại toàn)
Bài học đạo lý:
Bước vào chùa, ta thường thấy hai bên chánh điện thờ hai vị Hộ Pháp và Tiêu Diện, dân gian gọi hai vị này là ông Thiện và ông Ác. Ông Thiện thì hiền lành, trang nghiêm còn ông Ác thì ngược lại rất dữ dằn, ai yếu bóng vía thì không dám nhìn lâu. Cả hai ông Thiện và Ác đều mang nhiệm vụ giữ gìn ngôi Tam bảo, bảo vệ Phật pháp và hóa độ người mê quay về với chánh đạo.

Phật thoại này có hai vấn đề quan trọng cần lưu tâm. Một là uy lực của danh hiệu Phật. Quỷ vương dù hung bạo và dữ tợn đến mấy cũng bó tay trước uy lực danh hiệu Phật. Có thể xem việc niệm "Nam mô Phật" như là một bảo vật phòng thân, nội ma và ngoại chướng đều được hóa giải, tiêu trừ. Những ai thành tâm và tinh chuyên niệm danh hiệu Phật, Bồ tát trong đời sống hàng ngày thì chắc chắn sẽ được gia hộ.
Vấn đề thứ hai là "Nghịch tăng thượng duyên", điều thuận giúp ta thăng tiến thì dễ hiểu nhưng điều nghịch lắm lúc lại là nhân duyên tốt để ta rèn luyện, phấn đấu đi lên. Cũng như ông Ác hay chư vị Kim Cang, các ngài có bộ dạng rất đáng sợ, thường nhe răng và trợn mắt, tay lăm lăm binh khí sẵn sàng tồi tà phụ chánh, hàng phục ma quân và đưa những chúng sanh cang cường về với chánh đạo.
Chư Phật, Bồ tát từ bi và chư vị hộ pháp Kim Cang hung tợn cũng không ngoài tinh thần phương tiện, thể hiện những phương cách khác nhau nhằm tùy duyên hóa độ chúng sanh. Cho nên, những khó khăn và nghịch cảnh cũng là duyên tốt cần phải trân trọng trong quá trình tự hoàn thiện mình, thăng hoa tuệ giác nhằm thành tựu giải thoát.

Tâm Nguyễn